TRAN HAI MINH’S ABSTRACT EXPRESSIONISM
TRẦN HẢI MINH, TRỪU TƯỢNG BIỂU HIỆN & NGHỆ THUẬT TIÊN PHONG
Trần Đán
Triển lãm solo
11/12 – 17/12/21, BTMTTP, 97A Phó Đức Chính, Q1, TPHCM
Tháng 4/22, DHMTVN, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Năm 1986 ở tuổi 23, sau khi đỗ đầu Trường Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, và sau 2 năm đi nghĩa vụ quân sự, Trần Hải Minh nhận được học bổng đi du học ngành hội họa tại Đông Đức. Vào thời đó, trong nghệ thuật, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đều tuân theo phong cách Hiện thực chủ nghĩa xã hội. Cơ may cho anh, anh gặp được một vị trưởng khoa người Đức cho phép anh tự do lựa phong cách, kể cả những phong cách đương phổ biến bên phương Tây. Từ những sách vở rất hiếm trong thư viện của trường, Trần Hải Minh đã nhận thấy tiếng gọi của Trừu tượng biểu hiện và anh đã dứt khoát chọn đi con đường này. Ông ta chiều ý nhưng bảo, “Cậu phải tự mình tra cứu và khám phá vì ở đây, thú thật, không ai là chuyên gia.”
Cái gì đã quyến rũ anh trong cái phong cách đến từ thể giới tư bản không quen thuộc kia?
Để hiểu sự lựa chọn của anh, ta phải đi ngược thời gian và không gian để hiểu những bước đầu khai sinh ra phong cách Trừu tượng biểu hiện.
Nếu ta quay về thập niên 1950 – 1960 bên New york, ta sẽ thấy không phải đương nhiên mà Trừu tượng biểu hiện xuất hiện và mau chóng trở nên một trận cuồng phong. Năm 1926 Willem de Kooning, đang thực tập trở thành một thợ vẽ thương mại, rời quê hương của mình là Rotterdam, Hà Lan, lên con tàu đến Mỹ quốc một cách lén lút. Vâng ông ta từng là tên nhập cư lậu! Cùng thời gian ấy, Pollock lớn lên ở vùng thôn quê hẻo lánh của bang Iowa, đến New York học vẽ. Kinh tế Mỹ chuyển từ nền tảng nông nghiệp sang nền tảng kĩ nghệ và kinh doanh. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, buộc con người tham gia phải vô cùng năng động.
Nơi họ hò hẹn là quán Cedar Tavern nằm trong khu Greenwich Village, New York. Tại đây thường qui tụ các tay vẽ như Arshile Gorky, Jackson Pollock, Willem và Élaine de Kooning, Mark Rothko, Franz Kline. Bên cạnh một ly cà fê hay rượu rẻ tiền, họ bàn tán xôn xao về làm cách nào để tạo ra một phong cách hội họa có bản sắc thật sự Mỹ, tách rời khỏi sự “xâm lăng” của hội họa châu Âu.
Ta nên nhớ rằng lúc đó ảnh hưởng của hội họa châu Âu không hề xa mà rất cận kề. Do Đại chiến thứ II, rất nhiều họa sĩ từ các nước châu Âu đã sang lánh nạn tại chính thành phố Nữu ước. Tiếng tăm nhất trong đám họ là nhà thơ André Breton và các họa sĩ Marcel Duchamp, Salvador Dali, Fernand Léger, Yves Tanguy, Max Ernst từ Pháp, George Grosz từ Đức và Piet Mondrain từ Hà Lan. Ảnh hưởng của Breton và trường phái Siêu thực mà ông lập ra vô cùng dữ dội. Lời kêu gọi của họ nghệ thuật phải buông bỏ lý trí đầy mâu thuẫn, dồn nén, và sai lầm, để đón nhận giấc mơ và vô thức, nơi sự thật và tự do trú ngụ, đã là nguồn sáng tạo thổi vào nền nghệ thuật thế giới lúc đó. Các bức tranh đầu tiên của cả de Kooning và Pollock đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của phong cách Siêu thực.
Nhưng có gì đó khiến các họa sĩ Mỹ mất kiên nhẫn với ảnh hưởng từ châu Âu: họ xem Magritte quá trí thức, Dali quá tinh xảo, Miro và Tanguy đến gần trừu tượng nhất nhưng kĩ thuật vẽ của họ vẫn còn quá trau chuốt. Chúng vẫn là những tác phẩm được hoàn thiện dưới sức dũa gọt của tư duy. Họ chuộng Dubuffet hơn vì ông bắt chước cách vẽ nguệch ngoặc của những bệnh nhân tâm thần, những đứa trẻ con, là họa sĩ tránh xa nhất sự kiểm soát của lý trí.
Lúc đó bên châu Âu cũng đã chập chững triển khai phong cách Trừu tượng. Malevich và Kandinsky từ Nga (và sau này ta mới biết có nữ họa sĩ Hilma Af Klint từ Thụy điển) đã đẩy hội họa đến một cực điểm mới, hoàn toàn loại bỏ các hình thể có trong ngoại giới. Đó là phong cách Trừu tượng. De Kooning và Pollock tiếp thu tinh thần đó, đã thử nghiệm hòa trộn Trừu tượng và Siêu thực để triển khai một phong cách riêng: phong cách Trừu tượng biểu hiện. Giữa hai người, de Kooning còn rụt rè chưa dám dứt khoát từ bỏ hình thể. Trong loạt tranh Woman ông vẫn bám vào hình thể một phụ nữ, mặc dù đó là một phụ nữ khá dị dạng. Pollock thì triệt để hơn, vẽ hoàn toàn trừu tượng. Càng về sau, xem tranh của Pollock hay de Kooning, ta sẽ thấy thích thú với những vệt sơn đứt đoạn, nhỏ giọt, tuôn chảy, những lớp màu chồng lên nhau, nhũng vết xóa, vết cạo… Một tác phẩm như đời sống, không bao giờ đạt mức hoàn thiện!
Dĩ nhiên các họa sĩ chưa bao giờ lại tự đặt tên cho phong cách mình vẽ. Họ bận vẽ, không bận phân tích. Thế nhưng, vô thức của một số nghệ sĩ quá nhạy bén với các điều kiện nhân sinh xung quanh mình khiến họ biểu hiện được “tâm thức của thời đại” một cách ngấm ngầm. Nhưng phải cần những nhà phê bình hay nghiên cứu nhạy bén không kém để khai quật, diễn giải các hành vi khai phóng của họ.
Nhà phê bình Harold Rosenberg là một nhà phê bình đủ bản lĩnh như thế. Bằng cách xác định “tâm thức Mỹ” là gì, ông đã diến giải một cách thuyết phục vì sao phong cách Trừu tượng biểu hiện mới là phong cách nghệ thuật đặc trưng của tâm thức Mỹ. Đó là: bộc trực không phù phiếm, yêu hành động hơn tư duy, thắng thắn không quanh co, vụng về không tinh xảo, mạnh mẽ không yếm thế. Các họa sĩ Trừu tượng biểu hiện bỏ cả giá vẽ, không ngại dùng sơn kĩ nghệ, dùng chổi thay cọ, vung bút như vung đao, người thì quần quật quanh tấm toan như con thú. Rất đúng khi Rosenberg gọi Trừu tượng biểu hiện là Hội họa Hành động!
Điều gì đã làm môt họa sĩ trẻ như Trần Hải Minh phải đem lòng yêu Trừu tượng biểu hiện? Nếu ta tin theo các nhà xã hội học thì khó có một chàng trai từ một xứ sở nông nghiệp nghèo, tiền kĩ nghệ hóa, lại đủ trang bị về tri thức và cảm xúc để thấm đậm được một tâm thức từ một xã hội đã kĩ nghệ hóa và đang phát triển thành một xã hội tiêu thụ và thông tin. Thế nhưng điều đó đã xảy ra.
Tôi chỉ có thể suy đoán rằng, dù lớn lên trong xã hội nào, trong cái “hạ tầng kiến trúc” nào (theo tiếng gọi của Karl Marx), dù nó có lạc hậu đến đâu, thì lòng khao khát tự do trong một số người vẫn bẩm sinh và bất tận. Ta còn nhớ: dù sống trong chế độ phong kiến nhưng vẫn xuất hiện một Cao Bá Quát, một Hồ Xuân Hương cá tính và nổi loạn!
Sau khi về nước năm 1997 Trần Hải Minh tiếp tục triển khai phong cách Trừu tượng biểu hiện. Anh sử dụng cả kĩ thuật sơn dầu của phương Tây lẫn kĩ thuật sơn mài của Việt nam. Nhưng công chúng lúc đó không vồn vã. Trừu tượng đối với họ vào thời điểm đó quá khó hiểu. Họ vẫn đòi hỏi phải nhận ra một hình thể ngoài đời quen thuộc trong tranh.
Họa chăng chỉ có vài người khuyến khích anh luôn giữ ngọn lửa: đó là hai bậc họa sĩ lão thành Nguyễn Tư Nghiêm và Trần Lưu Hậu mà anh nể trọng và nể trọng anh. Vài tháng trước khi Trần Lưu Hậu mất năm 2020, ông còn tâm sự: “Hải Minh phải cố gắng hết sức đưa Trừu tượng biểu hiện vào Việt Nam. “
Ở giai đọan gần 20 năm sau khi về nước, khái niệm người nghệ sĩ “tiên phong” (avant-garde) khá phù hợp với Trần Hải Minh. Ta hãy tóm tắt các đặc tính của người nghệ sĩ tiên phong như sau:
-Vượt ra ngoài các qui tắc đương thời
-Nhấn mạnh đến sáng tạo độc lập
-Không ngại thử nghiệm
-Thường bị chỉ trích, phủ nhận lúc đầu bởi các thiết chế bảo thủ và quần chúng đi sau
-Vạch ra một hướng đi cho nghệ thuật tương lai
Trong giai đoạn vừa nói đến, Trần Hải Minh vẫn miệt mài trong bóng tối. Tuy không bán được tranh tại Việt nam, anh vẫn bán cho các nhà sưu tập Đức thông qua một phòng tranh Đức. Anh cũng làm đủ nghề để sống: làm đồ gốm dân dụng, mở nhà hàng, mở nhà múa rối nước… Nhưng Trần Hải Minh không bao giờ vì thế mà quay sang vẽ những phong cách và đề tài được công chúng ưa chuộng để mong bán được tranh. Đó là theo tinh thần không thỏa hiệp của Van Gogh!
Trong mươi năm gần đây, xảy ra những chuyển biến tích cực trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Tranh trừu tượng của Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ ở miền Nam trước 75, cũng như những bức trừu tượng hiếm có của Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, được giới thiệu lại với công chúng. Tranh của Đào Trọng Lưu khơi dậy âm nhạc cổ điển Tây phương. Phạm An Hải thử nghiệm với Trừu tượng biểu hiện với tinh thần Á đông kiệm màu. Bùi Thanh Thủy nhòa màu rất nữ tính theo phong cách trừu tượng trữ tình, tuy cô dùng acrylic nhưng trông như màu nước trên lụa. Nguyễn Vân Chung triệt để tối giản: trong một số tranh, chỉ vỏn vẹn một đường quẹt sơn đen bằng một cây chổi dùng thay cọ trên nền trắng: Rất thiền! Trần Lưu Mỹ mạnh mẽ tìm cách thoát ly bóng của cha Trần Lưu Hậu trong cuộc triển lãm lần đầu thành công năm 2020. Và rất nhiều họa sĩ khác.
Vào thời điểm này vì sao các họa sĩ lại đâm ra say mê phong cách này? Vì sao công chúng và các nhà sưu tập bỗng dưng vồn vã? Phải chăng có một sự trưởng thành về nhận thức mỹ cảm?
Nhắc lại sự ra đời của phong cách Trừu tượng biểu hiện tại Mỹ là để giúp ta phần nào diễn giải vì sao ngày hôm nay, vào thập niên 2010, tức gần 50 năm sau, tại một nước xa xôi như Việt nam, phong cách đó lại được cả họa sĩ lẫn người xem yêu chuộng? Tôi không dám tự xưng mình là một nhà xã hội học, nhưng tôi có thể suy đoán, việc tư duy con người phản ảnh môi trường xã hội xung quanh là không tránh khỏi. Đối với các nước tiên tiến, có thể Trừu tượng biểu hiện không còn mới mẻ, nhưng đối với Việt nam đó là một luồng gió mới. Nó thổi lên một miền đất khô cằn, đang trông đợi cơn mưa rào.
Sau đây là một số suy diễn của tôi:
1) Xã hội Việt nam ngày càng năng động. Với sự thay đổi về chính sách kinh tế từ bao cấp sang bán thị trường cho phép tư nhân hóa, từ cô lập sang hội nhập, xã hội Việt nam bắt buộc phải năng động hơn để cạnh tranh. Tư duy những người tham gia vào nền kinh tế bán thị trường phải thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo tôi, chính những con người ấy là những người trở thành các nhà sưu tập nghệ thuật đi đầu. Chính họ đã phát huy tư duy chuộng cái năng động, chuộng cái mới mẻ, chuộng tinh thần thử nghiệm.
2) Tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo và trẻ hóa. Nhờ thông tin qua mạng họ mau chóng bỏ tâm thức “ao làng” để hướng đến những giá trị nghệ thuật thế giới cao hơn. Tuy óc thẩm mỹ của họ không đồng đều nhưng một số đã đẩy sự tiếp thu nghệ thuật lên tầng cao. Và họ có đủ tiền để sưu tập, để khẳng định đẳng cấp.
3) Người Việt vốn yếu về tư duy lô gích nhưng rất giàu tình cảm, tìm thấy ờ Trừu tượng biểu hiện một phương pháp bộc lộ cảm xúc một cách cuồng nhiệt và tự do. Trừu tượng biểu hiện cho phép họ giải tỏa năng lượng từ bức xúc nội tâm hay bức xúc xã hội.
4) Tuy vậy xã hội Việt nam vẫn còn bị đóng khung ở một số mặt, nhất là về chính trị, văn hóa. Việt nam là một trong một số nước hiếm hoi có chế độ kiểm duyệt văn hóa nghiêm ngặt. Trong bối cảnh đó, các họa sĩ tìm thấy ở hội họa trừu tượng một lối thoát. Nó phi hình thể, không bao hàm ý nghĩa hay, nếu có, thì suy diễn thế nào cũng được. Đó là cách tốt nhất để không bị phiền phức với khâu kiểm duyệt.
Trong lần triển lãm sắp đến, tôi tin họa sĩ Trần Hải Minh sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt. Sau nhiều năm mài dũa, anh có một số lợi thế như sau:
1) Rõ ràng là anh có niềm đam mê. Từ khi ra trường đến nay, anh chỉ vẽ theo lối Trừu tượng biểu hiện. Nguyễn Trung nửa đường thì bỏ sang vẽ các cô gái lãng mạn, thơ mộng. Ông không đi tận cùng của tinh thần Trừu tượng biểu hiện. Một số khác vẽ Trừu tượng biểu hiện có vẽ máy móc, rụt rè, cẩn thận, như những con sông trôi giữa hai bờ đê. Một số khác nữa thiếu “bản năng” về màu sắc, một năng khiếu do bẩm sinh nhiều hơn do đào tạo từ trường lớp.
2) Có thể nhận thấy từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, gam màu của anh không kém gì Matisse, Gauguin hay Kandinsky. Trong mỗi bức tranh, anh chọn màu như anh chọn những quân lính trung kiên, cùng nhau lâm trận. Anh cho chúng quần thảo nhau một cách bất ngờ, ngẫu hứng. Anh sử dụng đường nét rất chừng mực, như những vệt tàn dư của ký ức. Về bút lực, ta cảm nhận được sức mạnh của sơn vuột ra khỏi cọ vồ lấy nền toan. Hơn nữa một lớp sơn chưa đủ, họa sĩ còn chồng lên nhiều lớp khiến màu sắc ẩn hiện, tăng cường kịch tính thị giác, khiến ta muốn biết “cái gì bên sau.” Toàn thể bức tranh là một giòng thác của màu chảy vào màu, nét nhập vào nét, sơn che lấp sơn. Có thể nói hoạ sĩ đã nhập vào sắc màu. Nó không đòi hỏi một tư tưởng nào được cài cắm. Bức tranh không nói về tự do, vì chính nó đã là biểu thị (làm hiện ra) sự tự do. Và đó chính là tinh thần của Trừu tượng biểu hiện!
3) Kỹ thuật của Trần Hải Minh ngày càng tinh xảo. Vì sao? Vì anh không ngại thử nghiệm. Nhiều hôm anh trăn trở: Dùng cọ mềm hay cứng? Có nên pha trộn gì vào sơn? Dùng acryilic nước hay bột? Bao nhiêu lớp sơn thì đủ biểu hiện các cảm xúc chồng chất? Bồi thêm đến bao giờ thì đủ? Bôi đến bao giờ thì dừng? Đúng như lời mô tả của nhà phê bình Rosenberg: “trong bức tranh Trường tượng biểu hiện bạn sẽ không gặp một hình ảnh mà sẽ bước vô một đấu trường!” Họa sĩ vật lộn với cảm xúc vô hình: bức tranh là máu và mồ hôi chuyển thành di tích của cuộc tranh vật đó.
4) Người ta nghĩ anh được vô thức dẫn đắt khi vẽ, nhưng không đúng, vô thức thường mang nặng những buồn vui của linh hồn, những dằng xéo của cái tôi, đằng này, theo tôi, cái duy nhất dẫn dắt hội họa Trần Hải Minh là sự tương tác giữa cảm xúc và trí tuệ của anh với vật liệu và thao tác, tạo ra một năng lượng nội tại chất chứa trong bức tranh, sẵn sàng giao thoa với người xem. Cái mà tranh của Trần Hải Minh đã phóng thoát không phải là cái buồn vui của chính anh, mà là cái buồn vui của sơn, của bút, của toan. Anh thật sự đã nhập vào tinh thần của chất liệu.
5) Anh không tự thỏa dễ dàng, không ngại tự kiểm. Nhiều ngày anh thú nhận với tôi anh đã đốt một vài bức tranh không được vừa lòng, “không đến nơi đến chốn.” Vì sao thì khó có ai giải thích được, họa sĩ lại càng không. Không phải vì Trừu tượng biểu hiện là điệu vũ của ngẫu hứng và tự do mà “cái gì cũng chấp nhận được.” Không, nếu ta nghe bài God Bless the Child qua giọng hát của Billie Holiday và qua giọng hát của nữ ca sĩ jazz khác như Diana Ross, Aretha Franklin, Hary Belafonte, v.v… thì cách diễn đạt của Billie Holiday chắc chắn có hồn hơn. Tôi tôn trọng một nghệ sĩ khó tính với chính mình.
6) Với hơn 30 năm tìm tòi thử nghiệm anh đã dần loại bỏ các ảnh hưởng ngoại lai từ các bậc thầy Trừu tượng biểu hiện như Willem de Kooning, Antonie Tapies, Ashyle Gorky, Anselm Kieffer, cũng tương tự như những người này, trong những bước đầu gian nan của họ, đã dần dần loại bỏ ảnh hưởng của trường phái Siêu thực, Biểu hiện, Ấn tượng đi trước. Học của người trước đã khó. Bỏ đi những gì đã học lại càng khó gấp bội.
Với tinh thần “tiên phong” tôi tin Trần Hải Minh sẽ không dừng thử nghiệm, không dừng phá cách với chính mình, không dừng gột bỏ những ảnh hưởng từ ngoài, để đem lại cho chúng ta những tác phẩm ngày càng phiêu lưu, ngày càng “Hải Minh”.
Tôi đã được xem một số phác thảo cho những hướng đi trong tương lai của anh, bỏ lại đằng sau những gì anh làm ngày hôm nay, không phải để phủ nhận nó, mà là để giải phóng năng lượng sáng tạo dưới nhưng dạng khác. Do đó có thể khẳng định Trừu tượng biểu hiện chỉ là một trạm dừng của Trần Hải Minh trên hành trình vạn dặm.
https://www.facebook.com/Seadialogue/posts/10220152603581657
Trần Đán