Họa sĩ Trần Hải Minh là một gương mặt phong cách trong làng nghệ thuật tạo hình đương đại. Tốt nghiệp mỹ thuật tại Đức, anh về VN làm việc từ cuối những năm 1990. Triển lãm cá nhân của anh sẽ khai mạc lúc 17h 30 ngày Thứ bảy, 11.12.2021 tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Với một nghệ sĩ, việc thay đổi bút pháp trên tiến trình nghệ thuật của mình liệu có quan trọng không? Tôi vẫn mang câu hỏi đó khi xem qua cuộc bày tranh mới nhất của họa sĩ Trần Hải Minh với nhiều suy nghĩ. Trên con đường đi tìm thế giới của chính mình họa sĩ, người mang thập-tự-giá sáng tạo đang ở đâu?…
Họa sĩ Trần Hải Minh tự mình làm một cuộc xáo trộn không gian sống để tiếp tục chiêm nghiệm tận cùng những bến bờ hay cảnh giới nghệ thuật. Biết và chơi với anh khoảng hai mươi năm. Suốt khoảng thời gian chưa phải là dài ấy vẫn cho chúng ta thấy những dự cảm lớn của người ấp ủ những quyền năng sáng tạo. Tôi nhớ câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela, mẫu hình tượng một người hùng, suốt cuộc đời tranh đấu vì quyền tự do của con người, cuối cùng là Tổng thống Nam Phi: “What counts in life is not the mere fact that we have lived. It is what difference we have made to the lives of others that will determine the significance of the life we lead”. Tạm dịch” “Điều đáng giá trong đời không chỉ là chúng ta đã từng sống. Chính sự khác biệt mà ta tạo ra trong cuộc sống của người khác mới quyết định tầm quan trọng của cuộc đời mà ta sống…”.
Trần Hải Minh bên một tác phẩm của anh
Sự khác biệt ấy chính là ý niệm trăn trở dày vò Trần Hải Minh. Cuộc đời anh đi tìm cái khác biệt ấy! Và địch đến sẽ là một khác biệt trong những khác biệt!
Hội họa Việt Nam đương đại đến hôm nay vẫn chưa trả lời được những trường hợp như Trần Hải Minh. Quy chuẩn mới cần những lý thuyết phê bình mới! Tuy nhiên, chúng ta vẫn chuộng những gì nhỏ hẹp, dễ hiểu, cầm nắm được và tầm tầm. Để những trường hợp “ngoại cỡ” ở ngoài luồng, ngoài đường biên nhận định.
Họa sĩ Trần Hải Minh (phải) và Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tại Hà Nội.
Biết anh từ những triển lãm cá nhân đầu tiên ở galery A (lấy chữ cái đầu của chữ Avante garde, mang nghĩa Tiền phong) cũng là nhà anh ở số 1 đường Cộng Hòa – Tân Bình lúc anh về nước sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Nghệ Thuật Berlin (Kunstshochule-Weissensee) với nhiều dự phóng táo bạo.
Ba họa sĩ gặp gỡ, từ trái qua: Phong Đinh, Trần Lưu Hậu và Trần Hải Minh
Tư tưởng xê dịch phiêu lưu khởi thủy từ một nghệ sĩ họa sĩ được học và được ảnh hưởng từ phương Tây ấy định hình đến những sáng tác, phòng tranh của Trần Hải Minh về sau này khi anh chỉ treo cho bạn bè ngắm. Tính khai phóng, vượt thoát đó càng mạnh, càng ám ảnh mỗi lần chuyển dịch đời sống như con thuyền trước giông bão. Ngọn gió dự cảm thổi tràn qua những bức tranh gửi gắm những tín hiệu mở. Khi thì quận Bảy, lúc Phú Nhuận và bây giờ là trang trại ở Bình Dương (149 Đông Minh – P. Đông Hòa – Thị xã Dĩ An). Những bức tranh tự chuyển hóa theo cuộc đời thăng trầm của người nghệ sĩ màu sắc trầm tư tuyệt vọng.
Một bức tranh khổ lớn của họa sĩ Trần Hải Minh giới thiệu cùng người xem tại triển lãm tháng 7.2020. Tranh đã thuộc về bộ sưu tập của HS Phong Đinh
Cái khó hay sự mâu thuẫn của người nghệ sĩ không dễ phân định như danh họa Vincent Van Gogh từng chỉ ra: “Đừng dập tắt nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng; đừng trở thành nô lệ cho hình mẫu của mình”. (Do not quench your inspiration and your imagination; do not become the slave of your model). Như vậy có thể thấy Van Gogh chống thói quen và hình mẫu. Cảm hứng và trí tưởng tưởng cũng phải luôn luôn xung động, đột phá. Để đẩy nó đến cao trào “mút chì đường biên”. Tranh Trần Hải Minh cũng có tinh thần như vậy!
Khỏa thân – Phác thảo – Tranh Trần Hải Minh
Triển lãm mới nhất của Trần Hải Minh cho thấy nhiều tín hiệu đưa ra trong tranh anh. Hình như màu sắc và ý tưởng không còn là cuộc trò chuyện, đối trọng với người họa sĩ mà nó như một chiếc neo cứu giữ. Người nghệ sĩ khi băng qua sa mạc sáng tạo hay lưu đày trên hành trình sáng tạo khiến họ luôn đập vỡ những hình thái tâm thức để tìm một mô hình đựng cái mới.
Tranh Trần Hải Minh giới thiệu tại triển lãm nhân sinh nhật họa sĩ trung tuần tháng 7.2020
Với một nghệ sĩ, việc thay đổi bút pháp trên tiến trình nghệ thuật của mình liệu có quan trọng không? Tôi vẫn mang câu hỏi đó khi xem tranh Trần Hải Minh bởi nhận thấy tranh anh hoàn toàn không thay đổi gì cả!
Nhưng tâm trí tôi thế nào? Có thấy thích hơn không? Có!
Những bức tranh lao xao những tiếng nói thầm và màu sắc như gần hơn với những xung động tâm thức đang diễn ra thế giới tưởng tượng của tôi.
Xem tranh họa sĩ Trần Hải Minh ở Bình Dương, chuẫn bị cho triễn lãm cá nhân của anh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM 11.12.2021.
Tôi lại tiếp tục thăm chúc Trần Hải Minh với những thành công trong lặng lẽ.
Tất nhiên, một ngày bất ngờ cho công chúng và người yêu tranh khám phá.
Nguyễn Hữu Hồng Minh